Cáp quang biển AAE-1 đã được sửa xong, lịch sửa chữa tuyến cáp biển APG bị lùi
Cập nhật (ngày 08/06/2020): Vào 20h33 ngày 7/6/2020, sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 ngày 3/6/2020 đã được khắc phục xong và khôi phục hoàn toàn lưu lượng. Trong khi đó, lịch sửa chữa tuyến cáp biển APG đã bị lùi, thời điểm sửa xong vẫn chưa được xác định.
Cập nhật (ngày 04/06/2020): Tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1 mới đây đã gặp sự cố trên nhánh S1H hướng kết nối đi HongKong (Trung Quốc) vào lúc 21h ngày 3/6/2020. AAE-1 là tuyến cáp được ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và đây lần đầu tiên tuyến cáp biển này gặp phải sự cố trong năm nay. Hiện nguyên nhân của sự cố vẫn chưa được xác định.
Bên cạnh đó, sự số trên tuyến cáp AAG xảy ra vào ngày 15/05 đã được khắc phục xong vào 7h20 ngày 4/6/2020, lưu lượng trên tuyến cáp này đã được khắc phục hoàn toàn.
Cập nhật (ngày 03/06/2020): Đã có lịch sửa cáp APG, kết nối Internet quốc tế sẽ trở lại bình thường từ 11/6.
Theo đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, đã có kế hoạch sửa chữa, khắc phục các sự cố trên nhánh S9 và S1.7 của tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway – APG xảy ra ngày 30/4 và 23/5/2020. Theo đó, việc sửa chữa trên tuyến cáp quang biển quốc tế APG sẽ được bắt đầu từ ngày 6/6 và hoàn thành vào ngày 11/6/2020, sau đó kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ trở lại bình thường.
Cập nhật (ngày 02/06/2020): Tuyến cáp quang biến AAG đã gặp sự cố vào ngày 15/05 khiến đường truyền Internet quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch dự kiến sự cố trên tuyến cáp này sẽ được khắc phục xong vào ngày 2/6, tuy nhiên, đáng tiếc là mốc thời gian trên đã bị kéo dài tới ngày 6/6 do đối tác quốc tế đã phát hiện thêm điểm đứt mới trên tuyến và cần thêm thời gian để sửa chữa.
1. Cáp quang AAG chưa sửa xong, APG lại bị đứt, Internet ảnh hưởng nặng nề
Từ ngày 23/5, tuyến cáp quang biển Asis Pacific Gateway (APG) gặp sự cố trên đoạn S1.7 khiến dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị mất toàn bộ. Nguyên nhân gây ra sự cố vẫn chưa được xác định. Kế hoạch sửa chữa, khắc phục cụ thể sự cố trên tuyến APG hiện chưa được công bố.
APG là tuyến cáp quan trọng và có tính ổn định cao được vận hành từ cuối năm 2016. Đây là một trong năm tuyến cáp quang chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam gồm VNPT, CMC Telecom, Viettel, FPT Telecom.
Trước đó, vào ngày ngày 14/5, tuyến cáp quang biển AAG cũng gặp sự cố và dự kiến đến ngày 2/6 việc sửa chữa mới hoàn tất. Việc cáp quang AAG chưa sửa xong, lại thêm APG đứt khiến truy cập Internet quốc tế từ Việt Nam bị chậm.
Thử nghiệm tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ghi nhận tình trạng khó truy cập vào Facebook và Google, không thể sử dụng được Google Photo và Google Drive vì mạng quá chậm.
Việc cả hai tuyến cáp quang quốc tế đứt cùng lúc không chỉ khiến kết nối mạng đi quốc tế bị ảnh hưởng mà việc đo tốc độ kết nối mạng cũng khó thực hiện được. Thử nghiệm tại quận Tây Hồ (Hà Nội) vào sáng 24/5 bằng hệ thống đo chất lượng truy cập Internet Việt Nam Vnix cho thấy, tốc độ gói Internet 65 Mb/giây cho kết quả 18,86 Mb/giây, bằng công cụ Fast cho kết quả 9,6 Mb/giây, thấp hơn 3 đến 5 lần thông thường.
Trong khi Internet cáp quang bị ảnh hưởng thì kết nối Internet qua 4G trên điện thoại vẫn có tốc độ bình thường, không nhận thấy ảnh hưởng.
2. Cáp quang biển AAG lại đứt, Internet đi quốc tế chậm rõ rệt
Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết, từ 18h30 ngày 14/5 tuyến cáp quang biển AAG lại gặp sự cố khiến toàn bộ lưu lượng qua tuyến cáp này giảm mất 50%. Sự cố đứt cáp này khiến đường truyền Internet đi quốc tế chậm rõ rệt.
Nhà mạng FPT cũng đã xác nhận sự cố này, trong khi đó người dùng Viettel và VNPT cũng phản ánh về việc kết nối quốc tế đang gặp vấn đề.
Chi tiết về vị trí cáp gặp sự cố cũng như lịch trình khắc phục cụ thể hiện vẫn chưa được thông báo.
3. Lịch sử đứt cáp năm 2020
Cập nhật (ngày 22/4/2020): Đến rạng sáng ngày 21/4/2020, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã hoàn tất quá trình sửa chữa, đường truyền Internet khôi phục bình thường.
Nguyên nhân của sự cố được xác định do lỗi giữa Repeater 1 và 2 ở trạm truy cập gần bờ Hong Kong (Trung Quốc).
Cập nhật (ngày 13/4/2020): Theo kế hoạch dự kiến của đơn vị phụ trách tuyến cáp quang biển AAG, công tác sửa chữa sự cố diễn ra trên tuyến cáp này vào ngày 2/4 sẽ được bắt đầu từ ngày 17/4 tới đây và hoàn thành xong trước ngày 22/4. Khi đó, hoạt động của tuyến cáp AAG sẽ trở lại bình thường đảm bảo lưu lượng Internet đi quốc tế của các nhà mạng tại Việt Nam.
20h tối ngày 2/4/2020, toàn bộ lưu lượng đường truyền qua hướng cáp quang biển AAG đã bị mất do cáp quang biển trên phân đoạn S1 của AAG kết nối Việt Nam – Hồng Kông bị lỗi.
Các nhà mạng có khai thác dung lượng băng thông Internet trên tuyến cáp AAG cho biết, hiện họ đã triển khai các biện pháp san tải nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến tốc độ truy cập của người dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, đa số người dùng đã phản ánh về việc mạng Internet yếu, khi truy cập các website quốc tế như Facebook, YouTube bị chập chờn nhất là vào ban đêm dù đã có thông báo sẽ tăng băng thông.
Thời gian khắc phục vẫn chưa được xác định.
Cập nhật (ngày 3/3/2020): Trong hai ngày 2 – 3/3/2020, sự cố trên hai tuyến cáp quang biển quốc tế AAG và IA đã được sửa chữa xong, lưu lượng trên các tuyến cáp biển này đã khôi phục hoàn toàn, Internet Việt Nam đi quốc tế trở lại bình thường.
Cập nhật (ngày 21/1/2020): Việc khắc phục sự cố xảy ra ngày 8/12/2019 trên nhánh S2 của tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) bị lùi đến ngày 27/2/2020, thay vì hoàn thành trong ngày 20/2/2020 như lịch cũ. Lý do của sự chậm trễ này là bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Do đó, Internet tại VN sẽ bị chậm đến 27/2.
Cập nhật (ngày 18/1/2020): Theo thông tin từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tuyến cáp AAG kết nối Đông Nam Á với Hoa Kỳ đã hoàn tất sửa chữa. Dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp biển này đã được khôi phục 100%.
Theo thông tin tiết lộ từ một nhà mạng Việt Nam, tuyến cáp biển AAE-1 dự kiến sẽ được sửa chữa từ ngày 22/1/2020 và hoàn thành vào 27/1/2020. Trong khi đó, lịch sửa chữa của sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển AAG vào ngày 22/12/2019 vẫn chưa có.
Từ ngày 22/12/2019, ba tuyến cáp quang biển AAG, IA và AAE-1 gặp sự cố cùng lúc, trong khi đó sự cố tuyến cáp quang AGG gặp phải trước đó (ngày 14/11/2019) vẫn chưa được khắc phục xong, khiến tốc độ mạng Internet của Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng.
Cụ thể, theo thông báo của nhà mạng VNPT, lúc 7h10’ ngày 22/12/2019 đường Internet quốc tế qua cáp biển AAG bị sự cố khiến dung lượng quốc tế qua cáp biển này bị giảm 1.100Gb trên tổng số 3.785,5Gb.
Bên cạnh đó, tuyến Liên Á (Intra Asia – IA) và AAE-1 (Asia Africa Europe 1) đang được các nhà mạng tại Việt Nam sử dụng cũng gặp sự cố.
Như vậy tuyến cáp AAG đang có hai vị trí gặp sự cố liên tiếp, cộng với tuyến cáp quang IA, AAE-1 cũng gặp sự cố, khiến chất lượng Internet Việt Nam có thể bị giảm khoảng 30% tổng dung lượng, tốc độ mạng Internet của Việt Nam ra quốc tế chậm rõ rệt, thời gian truy cập website lâu hơn, thậm chí còn không truy cập được.
Hiện tại, các nhà mạng đang tổ chức chuyển hướng kết nối qua đất liền để giảm mức ảnh hưởng tới khách hàng. Nguyên nhân và thời gian khắc phục sự cố này vẫn chưa được thông báo.